Đối tượng được hỗ trợ của Đề án là hộ nghèo và cận nghèo đang nuôi tôm trên địa bàn tỉnh với các hình thức nuôi như quảng canh, quảng canh cải tiến, bán thâm canh và thâm canh được hỗ trợ 100% phí xét nghiệm đối với bệnh còi, đốm trắng và đầu vàng; mỗi hộ được hỗ trợ xét nghiệm 01 mẫu/năm. Đề án được tuyên truyền, phổ biến tới các địa phương trong tỉnh và thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân được biết; các phòng xét nghiệm chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện. Đây là được xem là giải pháp giúp cho người dân Cà Mau xây dựng mô hình nuôi tôm bền vững.

Tuy nhiên, qua giám sát của Thường trực HĐND tỉnh cho thấy, công tác triển khai, thực hiện Đề án “Thí điểm xét nghiệm bệnh tôm miễn phí” còn nhiều bất cập, không khả thi, kém hiệu quả. Từ khi thực hiện Đề án đến nay, chỉ nhận được 03 mẫu tôm xét nghiệm (của người dân huyện Cái Nước), với chi phí hơn 1,4 triệu đồng; trong khi đó chi phí cho tập huấn, tuyên truyền đã lên đến hơn 104 triệu đồng. Nguyên nhân hạn chế là do bất cập từ quy định của Đề án, đối tượng thụ hưởng của Đề án là hộ nghèo và cận nghèo, trong khi điều kiện sản xuất hạn chế, quy mô đất sản xuất ít hoặc không đất sản xuất và họ không có vốn để đầu tư nuôi tôm công nghiệp hay quảng canh cải tiến mà chỉ nuôi tôm theo kiểu truyền thống, mỗi đợt chỉ thả nuôi vài chục nghìn con tôm giống. Bên cạnh đó, do các trung tâm xét nghiệm ở xa vùng nuôi tôm (hầu hết tập trung tại thành phố Cà Mau), chi phí cho việc đi lại để xét nghiệm quá tốn kém, mất nhiều thời gian, nhất là người dân ở những địa bàn xa như huyện Phú Tân, huyện Ngọc Hiển…


Thường trực HĐND tỉnh giám sát tại Sở Nông nghiệp và PTNT

Mặt khác, Đề án chỉ hỗ trợ xét nghiệm 01 mẫu/hộ/năm, nếu người nuôi tôm đem mẫu đến xét nghiệm không đạt thì không biết phải thả tôm nào, trong khi đó tỷ lệ nhiễm bệnh MBV – bệnh còi trên tôm là rất cao (50 – 60%) thì mẫu tôm xét nghiệm dương tính là “chuyện bình thường” và “lỡ” mua rồi chẳng lẽ bỏ! Trong thực tế, người dân thả rất nhiều đợt trong năm, nếu đợt này xét nghiệm, đợt sau không xét nghiệm thì sẽ có sự lây truyền mầm bệnh từ đợt trước với đợt sau. Do đặc điểm dân cư sống đan xen với nhau, nếu đối tượng hộ nghèo, cận nghèo được xét nghiệm tôm giống sạch bệnh thả nuôi, còn các đối tượng xung quanh thả nuôi tôm giống không xét nghiệm thì tỷ lệ lây nhiễm bệnh là rất cao. Đây cũng chính là những nguyên nhân người dân chưa thật sự quan tâm đến Đề án.

Qua giám sát, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị ngành chức năng tiến hành đánh giá kết quả thực hiện Đề án “ Thí điểm xét nghiệm bệnh tôm miễn phí”; xem xét các nguyên nhân khó khăn, vướng mắc, bất cập để từ đó có giải pháp khắc phục kịp thời, không nên để kéo dài, gây lãng phí.


Người dân nên chọn con giống chất lượng để đạt hiệu quả sản xuất

Bên cạnh đó, thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý chất lượng tôm giống, cần có quy hoạch vùng sản xuất tôm giống tập trung để dễ thực hiện quản lý, kiểm soát chất lượng tôm giống, góp phần hạn chế rủi ro cho người nuôi tôm; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền để người nuôi tôm biết lựa chọn tôm giống chất lượng để thả nuôi, nhằm đạt hiệu quả cao trong sản xuất.

Phạm Ngọc

Nhận xét

Bài liên quan